Cổ vật

Vụ mất cổ vật tại bảo tàng lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh chi tiết thế nào vậy?
Vụ mất cổ vật kỳ lạ của bảo tàng lịch sử TPHCM: Đi tìm lai lịch chiếc chén “tham thì thâm”
GiadinhNet - Chiếc chén này là cổ vật rất quý hiếm, nằm trong số 849 cổ vật mà cố học giả Vương Hồng Sển đã tặng cho Nhà nước vào năm 1997.
Hình ảnh hiếm hoi còn lại của chén ngọc “Tham thì thâm”, nay đã “bốc hơi” khỏi bảo tàng.

Số cổ vật này đã được UBND TP HCM trưng cầu giám định và bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử TP HCM lưu trữ, trưng bày trong một phòng riêng tại đây, mang tên Bộ sưu tập Vương Hồng Sển.
Tại sao “Tham thì thâm”?

Theo nhà nghiên cứu và sưu tầm cổ vật Trần Đình Sơn (còn được người trong giới sưu tầm gọi là Cao Sơn, Sơn Huế, là một nhà biên khảo có uy tín về cổ vật cung đình và sứ men lam Huế), thì chiếc chén này (mà cố học giả Vương Hồng Sển đặt tên là “Tham thì thâm”), có nguồn gốc từ bà Đốc phủ Hà Minh Phải. Chén nằm trong bộ sưu tập lớn và danh tiếng nhất miền Nam trong thế kỷ 20 của bà phủ. Sau năm 1975, bộ sưu tập này bắt đầu thất lạc và ly tán ra ngoài ngôi nhà của bà phủ và đã về tay người cháu rể của bà là luật sư Trần Văn Tốt.

Với cơ duyên của mình, khoảng đầu những năm 80 của thế kỉ trước, ông Trần Đình Sơn đã lần đầu được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chiếc chén ngọc đời nhà Thanh này. Ông liền mua nó (cùng với 2 món đồ cổ khác) từ luật sư Tốt. Ông Trần Đình Sơn vốn là nhà nghiên cứu và sưu tầm cổ vật ở miền Nam, đã có mối giao hảo thân thiết, có trao đổi học thuật và cổ vật với cụ Vương Hồng Sển lúc sinh thời. Mối giao hảo này giữa hai nhà nghiên cứu -sưu tầm cổ vật này đã được hình thành từ năm 1968 và đến giữa năm 1985, ông Cao Sơn đã tặng chiếc chén này cho cụ Vương.

Chiếc chén này, theo kết quả giám định của Hội đồng giám định cổ vật do GS Hà Văn Tấn -Viện trưởng Viện khảo cổ học làm Chủ tịch khi TP HCM bàn giao 849 món cổ vật của cụ Vương kiến tặng cho Bảo tàng Lịch sử (mã số lưu trữ 01027010002/BTLS.15121, năm 1997), thì đây là một chén gốm men ngọc trong suốt, được chế tác vào thế kỷ 19, cao 4 cm, đường kính 7 cm, vành miệng có hình 7 cánh hoa. Thân ngoài của chén ngọc có 7 đường gân nổi, trôn của chén có hình xoắn ốc và có lỗ ở giữa. Giữa lòng chén có tượng một ông tiên phủ men màu lam, xanh thẫm. Dưới chân bên trái của ông tiên có khoét một lỗ nhỏ. Đây chính là nét độc đáo có một không hai của chiếc chén ngọc và từ đó, đã được cụ Vương đặt cho cái tên: “Tham thì thâm”.

Theo mô tả của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn thì chiếc chén cổ này chỉ “cho phép” rót rượu vào chén ở mức vừa đủ một ngụm nhỏ. Mức rượu trong chén chỉ ngang bằng miệng ông tiên mà thôi. Nếu rót nhiều hơn mức… cho phép đó, khi rượu (hay nước trà) dâng lên đến mũi của ông tiên, rượu sẽ chảy ra ngoài hết, không còn một giọt. Rượu (hay nước trà) sẽ thoát ra hết qua lỗ nhỏ dưới chân trái ông tiên và thoát hết ra ngoài qua lỗ ở trôn chén. Cả người tặng và người nhận đều rất thích thú trước đặc tính kỳ lạ của chiếc chén ngọc này. Vì vậy cụ Vương đã đặt cái tên như trên cho chiếc chén ngọc: Cái tên này hàm ý, có rượu (trà) ngon, có ham uống cỡ nào đi nữa cũng phải biết kiềm chế, “biết đủ là đủ”. Nếu tham quá, rót đầy thì sẽ mất hết, chẳng còn một giọt.

Cổ ngoạn trân quý và số phận của các chủ nhân

Còn theo lời thuật của ông Trần Đình Sơn, hiện ông đang lưu giữ chiếc chén ngọc thứ hai, cũng giống như chiếc chén đã tặng cụ Vương. Đây là những chiếc chén có xuất xứ từ cung đình nhà Thanh vào thế kỷ 19. Món cổ ngoạn này là đồ chơi trong cung đình của các vương tôn, công tử và các nhà quyền quý. Nó đã lưu lạc sang Việt Nam, lọt vào bộ sưu tập của bà Đốc phủ Phải và có cơ duyên đến tay hai nhà sưu tầm cổ ngoạn danh tiếng của đất Sài Gòn. Chỉ khác một điều, chiếc chén mà cụ Vương tặng được chế tác vào đầu thế kỷ 19, còn chiếc của ông Sơn là cuối thế kỷ. Những chiếc chén này, được giới sưu tầm cổ ngoạn liệt vào hạng trân quý, rất hiếm người có duyên mà có nó. Đây là chiếc chén ngọc xuất xứ từ thời nhà Minh và được giới quyền quý sưu tầm, phổ biến, thịnh hành vào đời nhà Thanh.

Giới sưu tầm cổ vật nhiều lần chứng kiến chiếc chén ngọc độc đáo này khi cụ Vương mang ra “khoe” và biểu diễn. Theo họ, cụ Vương đặc biệt thích thú và nâng niu, cất giữ chiếc chén này rất kỹ. Không phải ai cũng có cái “duyên” được cụ mang ra khoe và biểu diễn để thưởng lãm. Trong sổ liệt kê (chép tay) các cổ vật mà cụ Vương hiến tặng cho TP HCM trước khi mất, chiếc chén có số thứ tự là 1260 và dòng ghi chú “Chén ngọc Tham thì thâm của bà Đốc phủ Hà Minh Phải, về cháu rể là luật sư Trần Văn Tốt và sau rốt về Cao Sơn. Cao Sơn biếu ngày 12/6/1985”. Riêng trong ghi chép của mình về giới sưu tầm cổ ngoạn, cụ Vương cũng có đánh giá về bà phủ Phải trong một tạp bút của mình: “Người biết chơi đồ xưa trong Nam, tôi chỉ biết một là bà Hà Minh Phải, quen gọi là Đốc phủ Phải”. Ghi chép của cố học giả Vương Hồng Sển cũng cho biết, sau này, mộ của bà Đốc phủ đã bị kẻ trộm lén đào để tìm vàng, trang sức và vật quý. Kẻ trộm đã móc tìm kim cương trong miệng của bà. Không tìm thấy, kẻ trộm đã… rinh luôn cái đầu của bà đi đâu mất.

Nguyên Quốc
Gửi bởi : Nguyễn Trần Nam Phương
  • Tìm kiếm bài viết
  • Nhận mail tin tức
  • Bình chọn
    Bạn thấy giao diện website mới như thế nào?
    Mã bảo vệ
    Nhập mã bảo vệ: (*)
  • Hỗ trợ trực tuyến
Đang xử lý...