Nhà sưu tầm cổ vật Trần Thế Kôi: Di sản ông cha để lại là vô giá
Không “một tấc đến trời”, hay “nổ” theo kiểu “chỉ cần bán một cổ vật là mua được nửa phố Hàng Ngang, Hàng Đào” nhưng nhiều người biết Trần Thế Kôi sở hữu khá nhiều cổ vật vô giá. Cái cách ông kể chuyện lúc sôi nổi, hào hứng khi trầm lắng, suy tư về nghề sưu tầm cổ vật, về chân giá trị quý giá ẩn sau những di sản mà ông cha để lại khiến tôi hiểu ông mang nhiều trăn trở với... “nghiệp” của mình.
Nhà sưu tầm cổ vật Trần Thế Kôi bên chiếc lư thời Mạc


Nghị lực, đam mê của cậu bé mồ côi
Tiếp xúc lần đầu tiên, tôi bị cuốn hút ngay bởi giọng nói sang sảng mà ấm áp và cái cách trò chuyện rất truyền cảm của Trần Thế Kôi. Tôi thấy lạ. Biết Trần Thế Kôi là một nhà sưu tầm cổ vật có tiếng, nhưng quả thực hiếm có một nhà sưu tầm cổ vật nào vừa có kiến thức sâu rộng về lịch sử, văn hoá truyền thống mà lại có cách diễn đạt dễ hiểu, dễ thấm như ông. Nói về rồng, biểu tượng quyền lực cho các triều đại phong kiến, ông chỉ gói gọn trong dăm câu mà người nghe đã có thể phân biệt được đâu là rồng của thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn... Ấy thế nhưng, đơn giản chỉ là cái đòn gánh, vật dụng gắn liền với đời sống sản xuất của cha ông ta xưa, ông cũng có thể kể, diễn giải về nó cả buổi mà người nghe không thấy chán...

Lẽ dĩ nhiên, đã làm nghề sưu tầm cổ vật ai cũng phải tự trang bị cho mình những kiến thức về văn hoá, lịch sử sâu rộng, thiếu điều đó người sưu tầm không thể là người giỏi nghề. Nhưng còn phong cách kể chuyện truyền cảm, đầy tính mô phạm, lẽ nào là năng khiếu trời cho? Tôi tò mò tìm hiểu. Thật bất ngờ, trước khi chuyên tâm với nghề sưu tầm cổ vật, Trần Thế Kôi đã có 6 năm đứng trên bục giảng truyền cảm hứng văn chương cho học trò ở một ngôi trường THCS nổi tiếng Thành Nam (Nam Định) lúc bấy giờ và 14 năm trong quân ngũ ông cũng cống hiến trong vai trò người thầy. Với kinh nghiệm giảng dạy gần 20 năm cộng với kiến thức văn hoá, lịch sử của một nhà sưu tầm cổ vật, mỗi lần được mời ra nước ngoài nói chuyện ông đều khiến các giáo sư, nhà nghiên cứu nước sở tại đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Trần Thế Kôi có một tuổi thơ không mấy êm ả hay đúng hơn là sớm phải chịu thiệt thòi. “Ba ngày tuổi đã mất cha. Cái tên Kôi có từ lúc ấy” - đọc câu thơ nói lên xuất xứ tên gọi của mình, tôi thấy mắt ông ngân ngấn nước. Ông tâm sự rằng, mỗi khi có ai hỏi đến tên, nhắc đến người cha mà ông chưa một lần thấy mặt, ông lại thương người mẹ tảo tần, quyết ở vậy thờ chồng nuôi bốn đứa con thơ khôn lớn. Khó khăn nhất là những năm tháng chiến tranh, khi nghề sơn son thếp vàng truyền thống của gia đình không gánh nổi ngày hai bữa cơm đạm bạc: “Nhà đầy vàng son mà thiếu gạo”. Khó khăn, thiếu thốn đủ bề nhưng ngoài những lúc đi học, phụ giúp mẹ việc nhà, Trần Thế Kôi vẫn hào hứng tìm hiểu nghề gia truyền và tích luỹ những kiến thức về văn hoá, lịch sử thông qua những cổ vật mà ông cha để lại. Học xong phổ thông ông được học vẽ và ngay khi đó đã có tranh đem bán ở chợ quê trong các ngày Tết. Rồi từ đam mê tranh dân gian, ông bắt đầu học hỏi bạn bè để có thêm kiến thức và sưu tầm các cổ vật ở nhiều lĩnh vực khác. Niềm đam mê cổ vật, đam mê giá trị văn hoá, lịch sử ẩn sâu trong những đồ vật xưa cũ cứ ngấm dần vào máu của cậu bé mồ côi như thế.
Trăn trở gìn giữ, phát huy giá trị di sản
Trần Thế Kôi sinh năm Mậu Tý (1948), các cụ xưa nói, người tuổi chuột thường hoạt bát, nhiều sáng tạo... Chẳng biết điều người xưa nói đúng sai đến đâu nhưng ai đã từng biết đến Trần Thế Kôi đều nhận thấy, trong công việc ông luôn có những sáng tạo khá đặc biệt. Từ ngày còn đứng trên bục giảng làm anh giáo dạy văn, ông đã khiến học trò đặc biệt thích thú với những giáo cụ trực quan tự tạo. Ngày ấy, làm giáo cụ trực quan của các môn hoá, lý đã khó mấy ai làm giáo cụ cho môn văn. Ấy thế mà thầy giáo Trần Thế Kôi làm được. Hầu như bài giảng nào ông cũng có giáo cụ rất sinh động. Có lần trong tiết giảng về thầy cúng sợ ma, ông khiến học trò “cười lăn, cười bò” vì bức tranh vẽ cảnh thầy cúng với khuôn mặt “hồn phi phách tán”, khăn áo tả tơi.

Giờ với vai trò người sưu tầm, giới thiệu văn hoá Trần Thế Kôi hay được mời đi nói chuyện, tham gia tổ chức sự kiện gắn với văn hoá truyền thống, thiết kế bài trí các khu nghỉ dưỡng cao cấp và làm phim... Ông tâm niệm rằng, cứ gì gắn với văn hoá truyền thống là ông làm. Đôi khi ông tự nguyện tham gia mà không cần thù lao. Ví như đợt tham gia bài trí các “Lục bát quán” ở ngày hội thơ lục bát năm 2010, ông chỉ yêu cầu ban tổ chức tài trợ cho một chuyến xe chở đồ từ kho đến nơi tổ chức. Màn trình diễn sắp đặt lớn về di sản văn hóa lúa nước khiến nhiều người thán phục. Những chiếc chõng tre, cối xay thóc, bộ ấm trà, cối đá thủng, quang gánh... tưởng như đồ bỏ đi qua bàn tay của ông lại phát huy những tác dụng rất lớn trong giáo dục văn hoá truyền thống cho lớp trẻ. Với ông, được tham gia vào các sự kiện văn hoá xã hội, được giới thiệu những đồ vật quý mà mình cất công sưu tầm được đến công chúng là niềm vui, niềm hạnh phúc không gì sánh nổi.

Trần Thế Kôi nói rằng về mảng sưu tập đồ cổ kiến thức, cổ vật của ông còn khiếm tốn nhưng ông tự hào trong giới sưu tập đồ giả cổ ông là một trong những người đứng đầu. Làm đồ giả cổ, sưu tầm đồ giả cổ không phải để đi... lừa người kém hiểu biết bán vài món đồ lấy tiền bạc của họ. Điều thất đức ấy chẳng mấy người làm. Ông chuyên về đồ giả cổ bởi ông đam mê nó, coi đó là một thú chơi. Đồ giả cổ có thể sử dụng cho các hoạt động văn hoá, xã hội thay thế đồ cổ, mà đôi khi người ta không thể có được. Chính vì thế mạnh này mà không ít nhà làm phim tìm đến với Trần Thế Kôi. Chỉ có người sở hữu hàng vạn cổ vật, đồ giả cổ, đồ cũ... như ông mới đáp ứng được việc làm khó khăn ấy. Những cổ vật phong phú mà ông sưu tầm được trở thành những đạo cụ quý giá cho điện ảnh, nhất là những bộ phim lịch sử, phim cổ trang. Ông đến với công việc làm bối cảnh cho những bộ phim lịch sử, cổ trang như thế!

Với con mắt của một hoạ sỹ có nghề, cộng với “lưng vốn” của nhà sưu tầm cổ vật, ông lần lượt được mời thiết kế bối cảnh, với khoảng trên 4.000 đạo cụ cho phim “Khát vọng Thăng Long”, rồi phim “Trần Thủ Độ” và sắp tới là một bộ phim chuyển thể kịch bản từ truyện Kiều... Mỗi bộ phim có thời điểm lịch sử diễn ra sự kiện khác nhau nên những yêu cầu về đạo cụ, bối cảnh cũng khác nhau. Như vậy, ngoài những vật dụng sưu tầm có sẵn để làm đạo cụ ông lại “trổ tài” giả cổ sáng tạo những đạo cụ “mới” cho phù hợp. Ngoài ra, để làm được bối cảnh cho những bộ phim cách nay cả chục thế kỷ ông cũng phải cất công nghiên cứu các tài liệu liên quan đến mỗi thời đại để sao cho bối cảnh đạt đến mức chân thực, sống động nhất. Ông bảo, điện ảnh không đơn thuần là môn nghệ thuật giải trí mà còn là là hình thức truyền bá, giáo dục văn hoá truyền thống rất hiệu quả. Mỗi hình ảnh được quay, lưu lại trong một bộ phim sẽ như một cách “số hoá” di sản đến mai sau để các thế hệ sau này thêm hiểu biết, tự hào về văn hoá, lịch sử của đất nước.
Đồ giả cổ, đồ cũ là những minh chứng và có ngôn ngữ riêng khi làm phim lịch sử

Cả một đời gắn với “nghiệp” sưu tầm cổ vật, với những giá trị xưa cũ nhưng vô giá Trần Thế Kôi đúc kết rằng: Người sưu tầm cổ vật ngoài việc phải có đam mê, có kiến thức, có tâm còn phải có... tiền. Ấy thế nhưng ông lại nói, làm cái nghề sưu tầm cổ vật, tài sản quý đầy nhà mà túi chẳng mấy khi có... tiền. Nghe tưởng như vô lý mà lại có thật bởi mấy ai tâm huyết với cổ vật, đam mê với cổ vật mà nỡ... bán đi niềm đam mê, tâm huyết của mình. Với ông, gìn giữ di sản của ông cha để lại đã khó, làm sao để những di sản đó phát huy được giá trị còn khó hơn. Phát huy làm sao, để thời đại nào, xã hội nào cũng có những di sản gửi tới mai sau. Và, ông tin rằng, đâu đó trên khắp đất nước này vẫn còn nhiều lắm những nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, nhà sưu tầm cổ vật... cùng bao người tâm huyết với việc gìn giữ, phát huy di sản quý báu bao đời ông cha để lại.
Nhữ Sơn
Lượt xem: 1.506
  • Tìm kiếm bài viết
  • Nhận mail tin tức
  • Bình chọn
    Bạn thấy giao diện website mới như thế nào?
    Mã bảo vệ
    Nhập mã bảo vệ: (*)
  • Hỗ trợ trực tuyến
Đang xử lý...